Shuumatsu no Valkyrie (Record of Ragnarok) là bộ anime được chuyển thể từ manga cùng tên của tác giả Takeo Ono được đăng trên tạp chí Monthly Comic Zenon với định kỳ 1 hoặc 2 chap mỗi tháng. Shuumatsu no Valkyrie cho đến nay đã nhận được một lượng người theo dõi vô cùng đông đảo, và do đó, việc bộ manga này được chuyển thể thành anime đã khiến cho tất cả cộng đồng fan rất phấn khởi. Tuy nhiên, bản anime được thực hiện bởi Netflix đã khiến đại đa số các fan cũng như người xem trung lập phải thất vọng hoàn toàn. Vậy đâu là nguyên nhân?
Mục lục
Sơ lược về tác phẩm
Nội dung chính: Sau 7 triệu năm lịch sử tồn tại, con người ngày càng trở nên xấu xa khi hủy hoại môi trường, thiên nhiên và tàn sát lẫn nhau. Chính vì vậy, các vị thần đã cùng họp lại với nhau và quyết định sẽ xóa sổ loại người. Tuy nhiên một thiên thần Valkyrie đã đề xuất tổ chức cuộc thi đối kháng giữa người với thần theo luật lệ cổ xưa để quyết định vận mệnh của nhân loại. Với sự ngạo mạn và coi thường con người, các chư thần đã đồng ý tỉ thỉ với 13 người mạnh nhất lịch sử loài người. Shuumatsu no Valkyrie là thiên hùng ca về các trận chiến đầy mãn nhãn giữa các con người vĩ đại nhất và các vị thần mạnh nhất.
Shuumatsu no Valkyrie được yêu thích do có nội dung hết sức sáng tạo, sử dụng nhiều nhân vật lịch sử và thần thoại được nhiều người quan tâm, và các trận đấu được thực hiện hết sức hoành tráng, kịch tính, hấp dẫn. Bên cạnh đó, các câu chuyện mang nhiều tầng ý nghĩa, các chi tiết phản ánh xã hội, các triết lý sâu sắc đã khiến cho bộ manga này không dừng ở phạm vi truyện tranh đánh đấm thông thường. Ngoài ra, các chi tiết nặng về mức độ bạo lực cũng mang đến những giá trị kích thích người xem.
Và khi chuyển thể thành anime, đã có không ít những vấn đề xảy ra do sự khác biệt giữa giấy trắng mực đen và hình ảnh chuyển động.
Phần đồ họa xấu và nét vẽ kì dị
Dường như khi bắt đầu viết manga, tác giả đã không lường trước rằng tác phẩm của mình sẽ được đón nhận đến mức như vậy. Do đó, các nhân vật trong Shuumatsu no Valkyrie được vẽ bằng nét dị dạng lạ thường, có vẻ như tác giả có ý định châm biếm trong tác phẩm. Có thể thấy nhân vật Thor thì ẻo lả (có thể tượng trưng cho sự chán chường không muốn ra chiến trận vì khinh thường đối thủ), nhân vật Zeus thì già cả nhưng thực tế lại đô con và rất thích ra vẻ (phù hợp với tính cách nhân vật cả trong thần thoại lẫn anime), nhân vật Lữ Bố thì giống một con thú hoang với rang nhọn và đôi mắt đầy hung hăng (giống tính cách Lữ Bố trong lịch sử),… Những điều này khi xuất hiện trên trang giấy với background trắng thì mang đầy tính nghệ thuật, việc cơ thể nhân vật bị biến dạng hoàn toàn trông giống những bức tranh dân gian thời xưa vẽ các nhân vật chiến đấu với nhau. Do đó, manga với nét vẽ này đã trở nên đầy tính nghệ thuật.
Trái ngược với điều này, khi được đưa lên manga và tô màu, nét vẽ lại trở về với sự kỳ dị của nó, không ăn nhập với môn nghệ thuật thứ 7. Không những vậy, màu sắc, ánh sáng, hiệu ứng đổ bóng của cả bộ phim hoàn toàn rất tệ, kém xa so với những bộ anime được sản xuất tại Nhật Bản. Một chi tiết nhỏ nhưng quan trọng nữa là phần khán đài lại bị làm khác đi so với manga. Trong bản manga, khán đài của nhân loại tập hợp đầy đủ những con người đến từ các vùng văn hóa khác nhau với ngoại hình và trang phục hết sức phong phú đa dạng, nhưng trong bản anime, những người ngồi ở khán đài lại rất đơn giản, làm mất đi một nét chất lượng của bộ phim.
Các cảnh chiến đấu bị kéo dài
“Như phim Ấn Độ” là lời nhận xét được nhiều người cảm thấy đúng nhất đối với phiên bản anime của Shuumatsu no Valkyrie. Trong manga, các cảnh chiến đấu được miêu tả bằng nhiều trang truyện/ô truyện trong cùng một thời khắc. Tất cả người đọc manga đều hiểu và cảm nhận được rằng một cảnh đấu trải dài nhiều trang giấy thực chất chỉ trải qua trong vòng vài giây. Còn đối với bản anime, cảnh đấu ấy lại được kéo giãn đến vài phút cho phù hợp với thời lượng của một tập phim. Trong một cuộc chiến sinh tử như trong Shuumatsu no Valkyrie, một cử động phải được thực hiện rất nhanh, tạo sự kịch tính cho cuộc chiến (điển hình như cuộc chiến trong anime Attack on Titan, có những khúc nửa chap manga khi chuyển thể thành anime chỉ chiếm vỏn vẹn chưa đầy một phút vì tình tiết diễn ra rất nhanh). Việc anime kéo dài một tình tiết chiến đấu đơn giản bằng cách chiếu cảnh đó ở nhiều góc khác nhau cộng với khuôn mặt của những người theo dõi đã khiến cho bộ anime chiến đấu trở nên không khác gì các bộ phim Ấn Độ.
Phần hoạt cảnh chiến đấu bị kéo dài không mạng lại hiệu quả mà hiệu ứng của nó cũng thực sự rất tệ, thay vì là các hiệu ứng ánh sáng như trong các anime của Ufotable studio, cảnh chiến đấu trong Shuumatsu no Valkyrie được lấp đầy bằng cách… rung khung hình một cách dữ dội, tăng giảm độ sáng, hoặc làm nhòe đi hình ảnh; những điều này chỉ làm cho người xem ngán ngẩm thay vì tạo hiệu ứng thị giác.
Anime cũng chuyển thể manga một cách quá theo khuôn khổ, khiến cho những cảnh nào xuất hiện trong manga mới có thể xuất hiện trong anime. Vì vậy, đáng ra ở những thời điểm giằng co trong manga (không có tình tiết cụ thể mà đơn giản là một hoặc cả hai nhân vật sẽ tấn công liên tục) thì anime có thể thêm vào những cảnh chiến đấu đẹp mắt mà không hề làm thay đổi tình tiết manga. Ví dụ, lúc Lữ Bố tấn công Thor liên tục, anime có thể vẽ những khung cảnh Lữ Bố cố gắng đâm còn Thor vất vả né tránh. Việc nhà sản xuất chuyển thể ba trận đấu của Shuumatsu no Valkyrie trong 12 tập phim là một điều sai lầm, với thời lượng 4 tập/trận là quá nhiều, đúng ra số tập của ba trận đấu này cần được rút gọn hơn.
Các cảnh bị lược bỏ
Phần đáng tiếc điển hình nhất của phiên bản anime là câu chuyện mà Thần Giới của Thor bị đội quan khổng lồ tấn công. Trong bản manga, đây là một phân đoạn rất bi tráng, khốc liệt, và có phần tựa như mở đầu của bộ anime Attack on Titan. Nhà sản xuất hoàn toàn có thể biến đoạn này thành một trong những phân đoạn đáng nhớ nhất trong bộ anime. Nhưng trái với dự đoán, phân đoạn này trong bản anime chỉ được thực hiện một cách cực kỳ qua loa, như đang kể một câu chuyện mơ hồ, hình ảnh mập mờ, và đáng thất vọng nhất là phân đoạn này chỉ có vài khung hình không rõ ràng được chuyển qua lại không khác gì một slide thuyết trình Powerpoint. Phân cảnh có thể là cực kì mãn nhãn trong manga đã bị lướt qua một cách đáng tiếc.
Thậm chí, nhà sản xuất có thể thêm nhiều cảnh vào anime để khiến nó chất lượng hơn, thay vì dành nhiều thời gian để kéo dài những tình tiết chiến đấu. Ví dụ như việc con người gây ra quá nhiều điều ác khiên các vị thần quyết định tiêu diệt nhân loại, nhà sản xuất hoàn toàn có thể thêm những cảnh đơn giản để mô tả hành động của nhân loại.
Các yếu tố khác không nổi bật
Trường đoạn chiến đấu là điểm tuyệt vời nhất của bộ manga Shuumatsu no Valkyrie lại không thuyết phục khán giả, thì các yếu tố khác không thể cứu vãn được bộ anime này. Phần nhạc phim không xuất sắc, không có những lời thoại đủ sức gây chú ý, phần char dev (phát triển nhân vật) cũng không nổi trội vì các nhân vật trong Shuumatsu no Valkyrie chỉ có đất diễn trong trận đấu của mình. Tựu chung lại, Shuumatsu no Valkyrie không để lại được những điều mà các bộ anime khác đã làm rất tốt.
Liệu có thể hy vọng vào Season 2?
Vào thời điểm này, không có dự đoán nào có thể đưa ra chính xác. Cộng đồng người hâm mộ Shuumatsu no Valkyrie cũng cực kỳ hi vọng rằng Season 2 của bộ anime này sẽ rút kinh nghiệm từ Season 1 để có thể làm tốt hơn. Bên cạnh đó, trận chiến thứ 4 và thứ 6 của Shuumatsu no Valkyrie cũng được đánh giá là hay và mang nhiều ý nghĩa hơn 3 trận đấu đầu tiên, cộng với việc các nhân vật xuất hiện sau này đã không còn mang ngoại hình kì dị châm biếm nữa, mà đã trở nên “ưa nhìn” hơn, khán giả hoàn toàn có thể hi vọng vào một Season 2 chất lượng hơn.
(Bài viết chỉ tập trung vào những sự khác biệt giữa bản manga và anime. Do đó, các khuyêt điểm của bộ manga sẽ không được đề cập đến trong bài viết, ví dụ như các cảnh hồi tưởng chen vào giữa cuộc chiến, buff sức mạnh…).
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết Vì sao anime Shuumatsu no Valkyrie (Record of Ragnarok) Season 1 lại khiến khán giả thất vọng?, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!