Mục lục
Thông tin cơ bản
-
- Tên gốc: Komi-san wa komyushou desu
- Tên tiếng Anh: Komi can’t communicate
- Tên tiếng Việt: Komi-san không thể giao tiếp
- Studio: Oriental Light and Magic
- Thể loại: Comedy, Slice of Life, Romance
- Đạo diễn: Ayumu Watanabe (chief), Kazuki Kawagoe
- Nguyên tác: Tomohito Oda
- Năm: 2021 (season 1) & 2022 (season 2)
Tóm tắt nội dung
Komi là một nữ sinh cao trung với vẻ đẹp tuyệt trần nhưng lại mắc phải chứng Khó giao tiếp, điều này khiến cho cô tuy luôn được mọi người ngưỡng mộ và tôn vinh nhưng thực sự trong lòng rất cô đơn vì không thể giao tiếp với mọi người. Cho đến khi cô gặp Tadano, người có ngoại hình rất đỗi bình thường và gần như không có tài năng gì, ngoại trừ một điều: Tadano có thể hiểu được Komi. Và từ đó, hành trình của Tadano để giúp đỡ Komi đạt được mục tiêu có 100 người bạn bắt đầu.
Đánh giá chi tiết
Về nội dung
Thoạt nhìn, bộ anime này có vẻ giống như thể loại Rom-com (tình cảm-hài hước), tuy nhiên thực ra hài hước mới là chủ đề chính của bộ phim. Xuyên suốt các tập phim là những tình huống hài hước được phóng đại rất nhiều nhưng lại rất có duyện, mượt mà chứ không hề khiến người xem cảm thấy bị sượng hay khiên cưỡng. Bộ phim mang nét hài tương tự như các tác phẩm Katekyo Hitman Reborn hay Boku wa Tomodachi ga Sukunai khi lấy sự “lố” ra làm điểm gây cười. Sẽ không bao giờ chúng ta gặp trường hợp một thanh niên đội băng đội đầu của Làng Lá (Naruto) và che kín mặt ngay trong lớp học đang diễn ra đâu, cũng như không thể gặp một người thích làm “chó” cho thần tượng Komi hơn là làm bạn ngoài đời thực (vâng, bạn không nghe nhầm đâu). Việc đưa các tình tiết như vậy vào truyện mà vẫn giữ được bộ truyện không trở nên lố bịch hay phản cảm là điều không quá dễ dàng. Tuy nhiên, tác giả đã làm tốt trong việc này.
Phần hài hước trong season 1 chiếm phần lớn và phần lãng mạn thực sự rất ít. Nội dung của season 1 chủ yếu xoáy vào quá trình kết bạn của Komi hơn là muốn tập trung vào tình cảm nảy sinh giữa đôi nhân vật nam chính Tadano và nữ chính Komi. Tuy vậy, dù ít nhưng những khoảnh khắc tình cảm giữa hai người vẫn rất dễ thương. Yếu tố lãng mạn cũng góp phần thúc đẩy yếu tố hài hước của bộ anime. Ngược lại, season 2 đang tiến từng bước trong việc thúc đẩy mối quan hệ lãng mạn giữa hai nhân vật. Đây là một cách tiếp cận hợp lý giúp tạo dấu ấn riêng cho bộ truyện thay vì đi theo cách thường thấy, khi mối quan hệ lãng mạn giữa hai nhân vật được diễn ra từ đầu, nhưng đây là bộ phim mang tính hài hước là chủ đạo.
Nội dung bộ phim vốn đã mang tính hài hước kết hợp với việc “cố tình làm lố”, do đó sự hợp lý hay tính logic trong truyện vốn là điều không cần thiết. Bộ phim cũng lược giản quá trình bối cảnh dẫn đến tình huống và các phân tích chỉ để đi thẳng đến tình huống sẽ diễn ra. Khi Komi muốn đi bơi, và thể là nhiều thành viên trong lớp xuất hiện ở bể bơi, khi Komi đi lễ hội cùng Tadano, các nhân vật cũng bỗng dưng xuất hiện rồi vụt đi. Điều này khiến người xem sẽ dành sự tập trung cho tình huống hơn là cảm nhận sự thực tế.
Điều đặc biệt trong bộ anime này là nội dung từng tập được chia thành những câu chuyện nhỏ, đặc trưng của thể loại hài theo tình huống. Đây là điều chỉ thường thấy trong các bộ cartoon hay những bộ truyện cho thiếu nhi như Doraemon. Điều này khiến bộ anime có chất riêng so với nhiều bộ thuộc thể loại tương tự. Nhịp phim hoàn toàn phù hợp với nội dung mỗi câu chuyện, với những khung cảnh nhanh chậm tương ứng với mạch truyện, các ô truyện trong manga, không dài dòng lê thê với slow-motion hay liên tục chiếu cận mặt, cũng không quá nhanh khiến người xem phải tua lại để hiểu tình tiết.
Bộ phim không đặt nặng các vấn đề xã hội, mà mang tính chất của một bộ Slice of Life với các tình huống thông thường và cộng thêm những tình huống mà có lẽ chỉ xuất hiện trong bộ anime này mà thôi. Nội dung bộ truyện cũng né tránh những chủ đề nhạy cảm thường xuất hiện trong anime học đường như: bạo lực học đường, tình dục, hay môi trường giáo dục/giáo viên biến chất. Phim cũng không xuất hiện các drama ghê gớm gì hay các mâu thuẫn căng thẳng, vì season 1 và 2 là quá sớm cho những điều đó. Những tình huống thông thường và hài hước là đủ để làm thỏa mãn người xem rồi, cũng như với nội dung hiện tại thì phim còn nhiều thứ để khai thác tình huống.
Komi-san wa komyushou desu là một bộ anime vui vẻ, nhẹ nhàng, đơn giản để độc giả thư giãn. Do đó, không khó để dự đoán rằng bộ phim sẽ không tạo ra được bước đột phá. Cũng chính vì nội dung chỉ xoay quanh sự hài hước là chính mà không có những drama căng nên Komi-san wa komyushou desu khó có thể thu hút được sự chú ý của cộng đồng anime. Bên cạnh đó, thể loại truyện hài hước theo tình huống ngắn có một nhược điểm là người xem có thể bỏ qua nhiều tập và xem tiếp, và nội dung tập sau cũng không quá mật thiết với tập trước, nên việc bộ anime này bị phớt lờ khi có tập mới là điều dễ hiểu. Nhìn chung, người xem Komi-san wa komyushou desu đã xác định tầm vóc của bộ anime sẽ không thể đạt đến hàng siêu phẩm, nhưng bộ anime này vẫn đáng được ngợi khen với nội dung chất lượng của mình.
Về nhân vật
Ngay từ đầu, bối cảnh cũng đã giới thiệu rằng đây là ngôi trường không bình thường, dành cho những học sinh đặc biệt có vấn đề nhất cả nước. Do vậy, tính cách các nhân vật có thể nói là rất khó có thể thấy ở ngoài đời thực. Tác giả dường như đã xây dựng nên một thế giới giả tưởng với logic riêng. Mọi người trong trường hay nói đúng hơn là cả thế giới trong bộ phim đa số đều tôn sùng Komi một cách vô điều kiện chỉ vì cô ấy quá xin đẹp và thần thái, từ cả học sinh, giáo viên, đến cả những người xa lạ. Với bối cảnh như vậy, chúng ta dễ dàng chấp nhận các thể loại tính cách độc đáo, kì lạ, khó bắt gặp ở những bộ truyện nào khác, để tập trung vào sự hài hước của bộ anime.
Nhân vật chính Komi vốn mắc chứng Khó giao tiếp, nhưng đến mức độ mà không nói được một lời nào thì có lẽ là có một không hai. Bên trong nội tâm của cô gái ngại giao tiếp đó là sự mong manh, ngây thơ và rất cô đơn (trước khi gặp được Tadano). Komi có những nỗi sợ hãi, sự lo lắng, nhưng không thể nào thể hiện ra bên ngoài, và cái thần thái tuyệt hảo của cô vô tình lại cộng hưởng với chứng Khó giao tiếp đã dựng lên bức tường ngăn cách giữa cô và bạn cùng lớp. Ngay từ tập đầu tiên, khi Komi viết lên bảng, nhà sản xuất đã khéo léo dàn dựng không gian tĩnh mịch và vắng lặng, như để khắc sâu sự cô đơn của Komi trong trường học dù giữa hàng nghìn con người. Và khi Komi có cơ hội để kết bạn, người xem được chứng kiến sự ngây ngô đáng yêu của người được mệnh danh là “Nữ thần”, đến lúc sợ hãi hay ngơ ngác thì Komi căng tròn mắt, lúc phấn khích cô lại xuất hiện thêm tai mèo, những điều này tạo nên một nhân vật dễ thương và hài hước nhưng không cần những cặp mắt long lanh thường thấy.
Nhân vật nam chính Tadano thì ngược lại, vốn có ngoại hình tầm thường nhưng khả năng tâm lý thì khỏi phải chê. Tadano dễ dàng đọc được suy nghĩ của Komi cũng như nhiều bạn khác, từ đó giúp giải quyết rất nhiều vấn đề. Đóng vai trò là nhân vật đối diện với thử thách và giải quyết vấn đề được đặt ra nhưng Tadano lại không phải dạng nhân vật bá đạo, rập khuôn, hay mẫu mực thường thấy với hào quang nam chính trong thể loại Tình cảm lãng mạn, và cũng không phải dạng nhân vật “chúa hề” sinh ra chỉ để tấu hài trong các tác phẩm Hài vui là chính. Ở Tadano có sự pha trộn hài hòa giữa hai yếu tố này để tạo ra một nhân vật có thể giúp giải quyết các tình huống một cách thuận lợi nhưng vẫn để lại một nét riêng.
Trong season 2, mối quan hệ giữa Tadano và Komi đã có nhiều yếu tố tình cảm hơn. Đây là thời điểm mà Komi đã dễ dàng hơn trong việc nói ra tình cảm của bản thân, còn Tadano đã có thể kéo gần khoảng cách giữa mình và Komi hơn, điều mà trong season 1 vẫn còn xa cách do sức ép từ những nguời bạn cùng lớp. Tadano từng bước thoát khỏi vai trò là một người trợ giúp đắc lực cho Komi nữa, khi mà Komi đã có thể bắt đầu tự chủ hơn trong các mối quan hệ bạn bè, người xem có thể thấy rõ khi Komi đi chuyến tham quan, ở chung với hai người bạn mà không có Tadano bên cạnh. Tadano giờ đây là một người mang đến cho Komi những cảm xúc ngọt ngào, là bờ vai để Komi có thể dựa vào, luôn quan tâm, bảo vệ.
Bên cạnh hai nhân vật nam chính và nữ chính thì các nhân vật phụ đều mang trong mình một tính cách rất độc đáo và cũng chỉ cần tính cách đó để định hình nên nhân vật. Một Najimi với giới tính bí ẩn, khả năng giao tiếp bùng nổ, cùng sự tự tin không điểm dừng luôn là tâm điểm hài hước của bộ phim, giúp cho đôi nhân vật chính liên tục rơi vào những tình thế khó đỡ. Một Agari mang máu M luôn hâm mộ Komi và chỉ xem mình như một chú cún, một Yamai với tính cách yandere chính hiệu phát cuồng vì Komi với vai trò tạo nên sự căng thẳng, một Onoharu với hội chứng Chuunibyou của tuổi học sinh là thử thách đầu tiên với Komi khi cô giúp một người cô đơn giống mình có thể thoát khỏi sự cô độc đó. Một Katai với ngoại hình đáng sợ nhưng sâu bên trong là sự tốt bụng, thật thà, và cũng gặp khó khăn trong giao tiếp như Komi. Vẫn còn nhiều nhân vật khác với tính cách khó đỡ” như vậy, tuy nhiên bài viết sẽ không đề cập quá cụ thể để người xem có thể tận hưởng sự bất ngờ khi xem.
Về hình ảnh
Phần hình ảnh của phim được đặc trưng bởi nét vẽ hài hước mang nét cartoon. Đối với những người chưa đọc nguyên tác nhưng lại quen thuộc với nét vẽ nhân vật long lanh và tỉ lệ chuẩn thì nét vẽ của bộ anime này gây cảm giác khó chịu. Nhưng khi theo dõi được một số tập đầu tiên, người xem sẽ nhận thấy nét vẽ rất phù hợp với nội dung, khi mà sự hài hước và “bựa” được đặt làm chủ đạo. Phần hình ảnh của anime đã mô tả hoàn toàn chính xác nét vẽ của tác giả trong nguyên tác manga. Do đó, nếu người xem trông chờ vào những body bốc lửa, những cảnh không gian đẹp, hùng vĩ, hay những khung cảnh slow-motion ấn tượng khó phai thì có lẽ sẽ nhận về sự thất vọng vì bộ anime này không phục vụ những yếu tố đó. Dẫu vậy, bối cảnh trường học trong phim cùng màu sắc, ánh sáng vẫn không hề tệ.
Một điều đáng chú ý là sự thay đổi màu sắc ở season 1 và season 2. Ở season 1, màu trắng là tông màu chủ đạo, tương ứng với nội dung thiên về hài hước thì ngược lại ở season 2, các màu sẫm của ánh hoàng hôn bắt đầu chiếm nhiều hơn, tương ứng với nội dung mang màu sắc lãng mạn. Poster của hai phần phim cũng cho thấy rất rõ điều này.
Về âm thanh
Phần âm thanh và âm nhạc của phim không có nhiều điểm nổi bật. Điểm đáng lưu ý là nhân vật chính Komi lại có rất ít lời thoại, và công việc của nguời lồng tiếng quan trọng ở việc tạo ra các âm thanh dễ thương khi Komi bị bất ngờ. Điều này tuy đơn giản nhưng cũng hiệu quả khi giúp Komi trở thành một trong những “waifu” dễ thương được cộng đồng anime yêu thích.
Kết luận
Komi-san wa komyushou desu là một bộ anime hài hước nhẹ nhàng, phù hợp để thư giãn, rất đáng xem. Mặc dù sức hút của bộ anime đã giảm đi hẳn, nhưng đó là điều dễ hiểu đã được dự đoán. Komi-san wa komyushou desu không thể vươn mình thành siêu phẩm nhưng vẫn có chỗ đứng vững chắc nhờ vào những dấu ấn riêng của mình.
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết [Review Anime] Komi-san wa komyushou desu season 1 & 2: Không thể đột phá, nhưng vậy là đủ, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!