Hôm trước tôi mới đi xem Tenki no Ko (tiếng Việt: Đứa con của thời tiết, tiếng Anh: Weathering with you). Lần đầu đi xem IMAX thích thật, mỗi tội hơi đen trễ mất 15 phút đầu do kẹt trong thang máy một mình ở Vincom Metropolis (trong khi vừa có người bước ra khỏi thang đó xong, tôi vào bấm thì kẹt luôn, tầm này thì đen lắm rồi). Bài viết có spoiler, bạn đọc nên cân nhắc.
Ảnh từ wikipedia
Mục lục
Những cái hay và cái dở
Nhân tiện thì tôi không phải fan boy Makoto Shinkai (trong khi thanh niên đi xem cùng tôi thì là fan boy) nên có lẽ tôi không để ý được hết các chi tiết làm nên sức hút của bộ anime. Dù gì thì tôi cũng phải công nhận rằng phần âm thanh và hình ảnh của bộ anime này thực sự tuyệt vời (cộng thêm xem IMAX nên càng chân thực), không hổ danh là anime của Makoto Shinkai. Tôi rất ấn tượng bởi những nét vẽ tinh xảo trong từng khung hình, và đặc biệt là cảnh xoay camera 180 độ cực kì ảo diệu ở phần đầu anime.
Ừm, nhưng… có lẽ đó là phần tốt nhất của bộ anime này. Tôi không thực sự bị ấn tượng bởi câu chuyện, bởi các nhân vật hay các thứ khác. Tôi biết là nhiều người cũng có cảm giác giống tôi, vì hiển nhiên là nó sẽ bị so sánh với Kimi no Na Wa; ngay cả tôi không phải fan boy cũng phải công nhận rằng Kimi no Na Wa hay hơn. Nói đúng hơn thì Tenki no Ko không hay theo kiểu của Kimi no Na Wa – kiểu một câu chuyện tình cảm lãng mạn mang chất cổ tích nhiệm màu. Thế nên, có lẽ tốt nhất là nếu ai muốn cảm nhận hoàn chỉnh bộ anime này thì hoặc là chưa từng xem Kimi no Na Wa, hoặc là không biết Makoto Shinkai là đạo diễn của cả hai bộ đó (tôi suýt nữa thuộc loại này nếu như các fan boy tôi quen không nói cho tôi biết).
Dàn nhân vật của bộ anime khá là generic và typical, được xây dựng gần như kiểu mẫu trong sách giáo khoa, đặc biệt là 2 nhân vật chính (có thể đây là một sự lựa chọn an toàn của ông Makoto Shinkai). Tuy vậy những nhân vật phụ lại được khắc họa tự do hơn, với những tính cách và background đặc trưng. Tôi ấn tượng nhất là em trai của Hina – một cậu bé nhỏ tuổi nhưng sát gái, mạnh mồm, và nhất là hay nói mấy cái câu đùa hơi "lớn" so với tuổi. Tuy nhiên, thời lượng khá là ngắn khiến tôi có cảm giác như những nhân vật phụ dường như phải tranh nhau để có không gian thể hiện bản thân – đơn cử như bà chị Natsumi còn không xuất hiện ở khúc cuối. Tôi cũng cảm thấy sự phát triển tâm lý nhân vật của ông chú Keisuke hơi có vấn đề khi lại xuất hiện ở khu nhà bỏ hoang để ngăn cản Hodaka (hoặc cũng có thể là tôi đã bỏ lỡ gì đó).
Dù với tất cả những cái dở như vậy, tôi cảm thấy Tenki no Ko khá là dễ xem, không quá ướt át, màu mè như 5 cm/s hay Kimi no Na Wa (tôi mới chỉ xem mấy bộ anime đó của Makoto Shinkai thôi). Cách xây dựng nhân vật và cốt truyện không có nhiều đột phá nhưng cũng đồng nghĩa với việc dễ tiếp cận khán giả mới hơn, mà tôi nghĩ rằng đạo diễn cũng muốn vậy khi làm bộ anime này. Không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về tình yêu, Tenki no Ko còn là một câu chuyện với rất nhiều thông điệp khác về văn hóa, xã hội, v.v… Vì vậy, tôi nghĩ rằng bộ anime này xứng đáng được khoảng 7.5/10.
Những thông điệp
Như đã nói, Tenki no Ko là một anime với rất nhiều thông điệp được gửi gắm. Đó là về hình tượng cô gái nắng, về khoảng cách thế hệ, về tuổi trẻ và các lựa chọn trong cuộc sống, về các tục lệ văn hóa, về thiên nhiên và con người… Tôi sẽ lựa chọn một số thông điệp để phân tích sâu hơn.
Hình tượng cô gái nắng – Hina
Là hình tượng chủ đạo của bộ anime, có rất nhiều góc nhìn khác nhau về nó. Khác với các anime trước của đạo diễn Makoto Shinkai, nhân vật chính của chúng ta (có thể cho là) có năng lực siêu nhiên. Nếu như trong các phim phương Tây thì việc sở hữu năng lực siêu nhiên nào đó thường dẫn đến việc nhân vật chính bị lôi kéo để trục lợi hoặc ép buộc để phục vụ một thế lực đen tối nào đó, còn ở trong bộ anime này thì điều đó không xảy ra, một phần vì đây còn chẳng phải shounen – cũng có thể cho là Hodaka đã lôi kéo Hina kiếm tiền từ siêu năng lực đó, nhưng mà thôi chúng ta có thể tạm bỏ qua trường hợp này, dù sao thì siêu năng lực của Hina cũng chẳng phải là cái gì đó quá ghê gớm. Nếu mà có nhiều bảo bối bá đạo như Doraemon thì chắc đã là bá chủ thế giới rồi chứ mắc mớ gì vẫn phải chơi với Nobita (lol).
Siêu năng lực của Hina cũng được cụ thể hóa là khả năng mang lại ánh nắng mặt trời trong một phạm vi nhất định, kéo dài một khoảng thời gian nhất định – với bối cảnh là thời tiết ở Nhật Bản đang diễn ra bất thường khi mà trời mưa liên miên dù đang là mùa hè. Có thể thấy ở đây sự tương phản về tính tích cực và tính tiêu cực mà chúng mang lại – trời nắng mang tới niềm hạnh phúc và tươi vui cho con người, còn trời mưa thì mang tới sự buồn bã và ủ rũ. Điều này khá là hiển nhiên rồi. Nhưng nếu nghĩ rộng ra, thì Hina giống như một phép màu thần kì, mang lại sức sống mới và sự lạc quan cho xã hội. Có thể thấy rằng hầu hết những người yêu cầu Hina mang lại ánh nắng không hề nghĩ cô có thể thực sự làm được điều đó. Đối với họ, nhiều người chỉ đơn giản là kì vọng vào một phép màu nào đó, một số khác thì chẳng hề kì vọng gì mà chỉ quyết định là sẽ làm vậy thôi – giống như khi tôi mua vé số và chẳng bao giờ kì vọng là mình trúng giải vậy – và trùng hợp ngẫu nhiên là Hina xuất hiện thì điều đó xảy ra. Tất nhiên là vẫn sẽ có những người nghĩ rằng có một sự liên hệ thực sự giữa Hina và thời tiết, song điều đó cũng chẳng quan trọng lắm. Vì dù là ai thì họ cũng đều biết rằng sau đó trời vẫn sẽ mưa và họ sẽ vẫn phải đối mặt với điều đó.
Hình tượng "cô gái nắng" cũng có mối liên hệ với một hình tượng khác đã từng xuất hiện rất nhiều trong lịch sử con người, đó là các "pháp sư" cầu mưa. Trong bộ anime cũng đề cập tới vấn đề này dưới góc độ giả tưởng, rằng từ rất lâu rồi con người đã nhận ra được có những người có khả năng thay đổi thời tiết, đi kèm với đó là sự hiến tế. Ở phương Đông, hình tượng những "pháp sư" vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay, như người ta vẫn hay đi xem bói, xem tướng ở chỗ mấy ông thầy bói chẳng hạn. Đối với văn hóa phương Đông, những người này rất được trọng vọng và kính nể. Trái ngược với đó, một hình tượng đối lập ở phương Tây là "phù thủy". Nếu như một vùng nào đó chịu tai ương thì có nhiều trường hợp người ta đổ lỗi cho một ai đó có khả năng làm như vậy. Đã có rất nhiều người chết vì bị vu là "phù thủy". Tuy nhiên, dù là "pháp sư" hay "phù thủy" và dù có siêu năng lực thực sự hay không đều tùy thuộc vào bối cảnh bấy giờ. Nếu như xã hội đang chịu thiên tai mà có ai đó được cho là có khả năng hóa giải điều đó, họ sẽ được trọng vọng; ngược lại nếu như xã hội đang yên bình mà có ai đó được cho là mang tai ương đến, họ sẽ bị kì thị. Trong bộ anime này, chính vì hiện trạng của Nhật Bản đang chịu thời tiết xấu nên sự xuất hiện của "cô gái nắng" Hina được cho là điều tích cực được hợp lý hóa (justified), chứ nếu như ngược lại ở phương Tây thời xưa thì chắc Hina lên giàn thiêu rồi.
Sự đối đầu giữa thiên nhiên và con người
Tôi cho rằng đây mới là thông điệp chính của bộ anime này. Có thể thấy xuyên suốt bộ anime này là cảnh thời tiết, cụ thể là lúc nào trời cũng mưa (obviously!). Dù rằng được ám chỉ trực tiếp hay gián tiếp thì từ đầu bộ anime cho tới gần cuối, trời mưa là một thứ gì đó khá phiền nhiễu và bất tiện cho con người. Đến lúc cao trào của bộ anime, thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, mưa to tới ngập lụt và thậm chí là có cả tuyết rơi ngay giữa mùa hè. Tuy nhiên, khi Hina được "hiến tế" thì cái nắng oi bức của mùa hè trở lại.
Nhưng hãy nhớ một điều rằng xuyên suốt bộ anime, góc nhìn đối với thời tiết đó chỉ là góc nhìn của con người. Chẳng hề có góc nhìn của các sinh vật khác hay của Chúa hay của bất kì thứ gì khác ngoài con người cả. Như vậy, những cảm nhận về thời tiết, về sự khó chịu và khắc nghiệt của nó, hoàn toàn là cảm nhận chủ quan của con người.
Trong lúc xem bộ anime này, có lẽ có lúc bạn sẽ tự hỏi rằng tại sao thời tiết Nhật Bản lại trở thành như thế, hay tại sao chỉ có Nhật Bản mới bị ảnh hưởng như vậy (các nơi khác không được nhắc tới nên chúng ta có thể giả định như vậy). Đó là những câu hỏi dường như không có lời giải đáp và sẽ theo đuổi bạn cho tới những phút cuối của bộ anime. Bởi vì những câu hỏi đó đã được trả lời (hoặc không hẳn, vì đó cũng chỉ là một ý kiến) trong lúc Hodaka và bà Fumi trò chuyện – rằng thời tiết thay đổi chẳng vì lý do gì cả, con người chỉ đơn giản là cố gắng thích ứng để sống sót thôi. Dường như thời tiết chỉ đơn thuần là một phần của thiên nhiên, và thiên nhiên là thứ vô tri vô giác, hoàn toàn không quan tâm đến sự tồn tại của con người. Con người quá nhỏ bé và vẫn còn biết quá ít về thiên nhiên – thể hiện qua sự thiếu vắng lời giải thích cho những sinh vật lạ giống cá biển, có cấu tạo từ nước trên mây kia.
Mặc dù vậy, nếu như bạn chưa xem tới cuộc trò chuyện cuối bộ anime kia, bạn vẫn sẽ cảm nhận được rằng dường như thời tiết (hay rộng hơn là thiên nhiên) được nhân hóa, là một thế lực siêu nhiên nào đó ngoài tầm với của con người, có tương tác với con người. Bằng chứng là rõ ràng Hina đã có sự liên kết với thời tiết – một dạng "hợp đồng" – với những "điều khoản" khá rõ ràng như là năng lực của Hina chỉ có tác dụng tạm thời, Hina phải đánh đổi một phần cơ thể của bản thân mỗi lần sử dụng năng lực đó, khi dùng quá nhiều lần thì Hina sẽ phải hiến tế – như những gì đã từng xảy ra trong quá khứ – để thời tiết trở lại bình thường (nhắc lại, bình thường đối với cảm nhận chủ quan của con người). Kể cả khi thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn trong đêm trước ngày sinh nhật của Hina, dường như đó là một dấu hiệu của sự "giận dữ" của thiên nhiên. Và vì góc nhìn này được thể hiện xuyên suốt bộ anime, nhất là khi Keisuke và Natsumi được nghe kể về câu chuyện "cô gái nắng" bị hiến tế trong quá khứ, thật khó để có thể rũ bỏ nó ra khỏi đầu – ngay cả khi bạn đã xem hết bộ anime và biết được góc nhìn đối lập mà tôi đã nhắc đến ở đoạn trên.
Càng để ý kĩ, bạn sẽ càng thấy rằng có rất nhiều điều bí ẩn về mối liên hệ giữa thời tiết và tục lệ hiến tế kia. Thậm chí, có lẽ bạn sẽ còn cảm thấy câu chuyện này quá phi lý và đầy lỗ hổng. Nhưng, tôi nghĩ điều này là chủ ý của Makoto Shinkai. Có lẽ ông muốn phân hóa khán giả để tạo ra sự tranh luận, giúp bộ anime có tiếng nói trong cộng đồng hơn.
Sự đối đầu kể trên cũng là hình tượng cho sự đối đầu giữa các luồng tư tưởng trái chiều nổi bật ở hiện tại: giữa chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa hữu thần, giữa cánh tả và cánh hữu trong việc bảo vệ môi trường, giữa chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thực dụng… Với việc Tenki no Ko là một bộ anime sản xuất ở Nhật Bản, Makoto Shinkai không hề chịu bất kì sự gò bó nào từ chính trị, hoàn toàn được tự do thể hiện sự đối đầu đó dưới góc nhìn của bản thân nhưng vẫn để chỗ cho người xem tự tìm ra câu trả lời của chính mình. Đó là một trong những điểm cuốn hút của anime và manga đối với tôi và rất nhiều độc giả khác.
Trong khi đó, hãy nhìn về phía Tây và lấy Marvel làm ví dụ điển hình. Cụ thể là cuộc chiến giữa Avengers và Thanos, các bạn có thể thấy rằng Thanos muốn tiêu diệt một nửa sinh vật trong vũ trụ vì cho rằng họ đã tàn phá thiên nhiên quá nhiều. Dù là nói về các sinh vật trong vũ trụ, song thực tế thì ám chỉ chính con người chúng ta – những sinh vật được cho là đứng đầu chuỗi thức ăn đang sống trên Trái Đất này. Có vẻ "định luật về hậu quả không lường được" (law of unintended consequences) là một thứ được áp dụng khá phổ biến trong những tác phẩm đó. Tất nhiên, thực tế mà nói thì sự phát triển của nền văn minh con người luôn đem lại những tác động tiêu cực nào đó, song tôi nghĩ rằng chúng không to đến mức mà phim ảnh phóng đại – kiểu như đến mức Thanos phải thấy chướng tai gai mắt để búng tay. Dù kết cục vẫn luôn là con người vượt qua những khó khăn, song thiết nghĩ con người chẳng cần phải cảm thấy tội lỗi vì sự hiện diện của bản thân đến mức vậy, vì suy cho cùng mọi sinh vật đều ích kỉ vì giống loài của mình thôi – và đó là một phần tất yếu của tự nhiên, được lập trình trong DNA của tất cả các loài. Tôi cũng không thích cái cách áp đặt tư duy như vậy của giới điện ảnh phương Tây, cụ thể là thông qua những tác phẩm nói về con người như thế.
Tôi có nghe nói rằng Makoto Shinkai sẽ đưa Tenki no Ko tham dự Oscar, nếu điều đó là sự thật thì tôi nghĩ là bộ anime chẳng đạt được gì đâu, thật đấy. Với tất cả những cái dở kia, cùng với góc nhìn về cuộc đối đầu giữa con người và tự nhiên đang đi ngược lại với góc nhìn của cánh tả, đặc biệt là cánh tả cấp tiến (vốn chiếm rất nhiều chỗ trong điện ảnh phương Tây) – những người cho rằng con người là kẻ tội đồ đang làm hại Trái Đất này – gần như chẳng có cơ hội nào để giành được Oscar cả. Nhưng tôi nghĩ rằng Tenki no Ko sẽ là một bước đi rất quan trọng trong công cuộc đưa anime ra thế giới của Makoto Shinkai nhờ chính những sự mới mẻ và thông điệp đương đại mà ông gửi gắm vào đó. Và tôi cũng nghĩ rằng Oscar chẳng còn giá trị đến thế đâu.
Để tóm lại những chiêm nghiệm của tôi về thông điệp này của Makoto Shinkai thì:
Vốn chẳng có thần thánh gì trên trời cả. Thời tiết chỉ đơn giản là một cỗ máy có đầu vào (input), đầu ra (output). Cỗ máy đó hoạt động không theo quy luật của chúng ta, hoàn toàn ngẫu nhiên. Con người chỉ đơn giản là cố gắng dự đoán và thích nghi trong khả năng có thể. Hina, trong lúc tuyệt vọng vì mẹ sắp qua đời, chỉ có mong muốn là làm trời nắng trở lại. Có lẽ trong tiềm thức, cô bé đã mong ước rằng muốn trời nắng trở lại bằng mọi giá. Chẳng có bất kì thần thánh nào đặt điều kiện rằng Hina phải hiến tế bản thân cả, chỉ đơn giản là cỗ máy đó cần một lượng đầu vào nhất định để có một lượng đầu ra nhất định. Điều này thể hiện rõ qua việc Hodaka chẳng hề gặp bất kì "ai" ngăn cản cậu ta cứu Hina khi ở trên mây cả. Tất cả những gì cậu ta làm chỉ là xuất hiện trước Hina, khiến cô ấy không còn thấy cần thiết về một mối liên hệ với thời tiết nữa, chủ động chấm dứt bản "hợp đồng" đó. Tất cả những sự thay đổi cực đoan (đối với con người) của thời tiết chỉ đơn thuần là một phần ngẫu nhiên và vốn có của cỗ máy đó. Con người sẽ luôn tồn tại và tìm cách thích nghi với mọi khó khăn mới nếu có đủ thời gian.
Câu cuối của đoạn trên là một tư tưởng tôi rất tâm đắc, nó gọi là "định luật về thảm họa tới chậm" (law of slow-moving disasters) của Scott Adams. Suy cho cùng thì, chẳng phải mọi sinh vật đều cố gắng sinh tồn để hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn hay sao?
What if… một cái kết khác?
Dựa trên những suy luận mà tôi vừa nêu trên kia, chúng ta có thể suy ra vài cái kết khác, kiểu như Hodaka cùng với Hina ở trên mây luôn: một cái kết kiểu cổ tích trong sách giáo khoa, vừa được ở bên người yêu vừa cứu nhân loại khỏi thời tiết khắc nghiệt. Tuy rằng cái kết này có vẻ "sách giáo khoa" nhất, thế nhưng nó lại mâu thuẫn kha khá với các chi tiết khác, ví dụ như là lời hứa mang Hina về với cậu em trai Nagi. Hơn nữa, cái kết này chỉ có thể xảy ra nếu như có một thế lực nào đó ngăn cản việc Hodaka đưa Hina trở lại – mà thực ra là chẳng có thế lực nào cả. Ở đây cũng ám chỉ rằng việc hi sinh Hina chỉ mang tính tích cực về mặt đạo đức nếu xét theo chủ nghĩa thực dụng, vốn cũng chỉ là một góc nhìn chủ quan của con người.
Còn cái giá phải trả cho việc đưa Hina trở về là gì? Là thời tiết tiếp tục mưa không ngớt như vậy. Nhưng liệu cái giá đấy có quá lớn? Ở phần trên, tôi đã nhắc đến góc nhìn về thiên nhiên và con người mà bà Fumi chia sẻ với Hodaka ở cuối bộ anime (và khả năng lớn cũng chính là góc nhìn của ông đạo diễn). Và nếu bạn để ý kĩ, xuyên suốt bộ anime chẳng có dấu hiệu bất kì ai đã chết vì thời tiết như thế cả (hoặc ít ra là được khắc họa như thế). Hơn thế nữa, để nhân vật gần gũi với con người trong đời thường hơn, những cái tư tưởng như "hi sinh một cá nhân để cứu nhân loại" khá là viển vông. Rõ ràng là Hodaka không phải là một anh hùng có tư tưởng như vậy. Hina cũng không hẳn, chẳng qua là cô ấy bất lực và không biết cách giải quyết. Thứ nữa, mặc dù Hina có thể thiên về tư tưởng đấy hơn, song Hodaka không hề để Hina tự định đoạt một cách dễ dàng như vậy, bằng chứng là cậu ta đã dám "chống lại người thi hành công vụ" để đi cứu Hina. Vậy thì càng chẳng có cớ gì cậu ta chấp nhận hi sinh Hina để cứu nhân loại cả – mà hầu hết thì toàn người xa lạ, hơi đâu mà quan tâm. Cuối cùng thì, mưa thì sao chứ, ngập thì sao chứ, con người vẫn có thể sống tốt trong điều kiện mới, như cảnh tượng vịnh Tokyo được khắc họa ở cuối bộ anime.
Lời kết
Tenki no Ko sẽ không phải một bộ anime quá xuất sắc để xem, nhưng có lẽ bạn sẽ phải xem để hiểu được những gì mà Makoto Shinkai đã và đang làm, để rồi chúng ta có thể trông mong vào tác phẩm tiếp theo của ông ấy. Dù sao, đối với tôi thì bộ anime này cũng khá thú vị vì những tầng thông điệp khác nhau mà ông đạo diễn gửi gắm. Biết đâu đấy có lúc nào đó nhớ lại, tôi lại nghĩ ra cái gì đó mới thì sao?
(Vì điều kiện thời gian, trí nhớ và kiến thức có hạn nên bài viết khó tránh khỏi sai sót và nhầm lẫn, mong nhận được những ý kiến đóng góp tích cực của các bạn. Tôi tự đánh giá bài viết của mình vẫn còn sơ sài, thế nên tôi sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến khác. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết của tôi)
Nguồn: Loveless
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết Tenki no Ko – không chỉ đơn thuần là một câu chuyện về tình yêu, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!