Mục lục
Điểm nổi bật của Anime Kaizoku Oujo
Điểm nổi bật đầu tiên của Kaizoku Oujo đó là chất lượng hình ảnh. Artstyle mang đậm dấu ấn của Production I.G, thiết kế nhân vật dễ nhìn, đẹp, body chuẩn, mỗi nhân vật có đặc điểm dễ nhận dạng riêng biệt. Ngoại trừ 3 nhân vật Yukimaru, Shita và Kei lại vẽ mặt giống nhau quá, khác mỗi cái kiểu tóc. Animation vốn là một điểm mạnh của studio này và Kaizoku Oujo cũng được thừa hưởng điều đó. Kết hợp cùng với phần quay phim điêu luyện mang đến cho người xem những màn chém giết tuy không xuất hiện với tần suất cao nhưng cũng đủ mang lại sự thỏa mãn. Bên cạnh đó là phần background rất được trau chuốt. Từ lối kiến trúc mang đậm dấu ấn thời kỳ phục hưng, từng dãy nhà, còn phố, cảnh quan vùng biển đều thể hiện được sự kỳ công của đội ngũ sản xuất.
Kaizoku Oujo ghi điểm trong việc xây dựng bối cảnh thế giới. Từ những tòa lâu đài cổ kính, căn nhà thường dân, cho đến mọi ngóc ngách của một thành phố thu nhỏ, bảng hiệu, con đường, cả phục trang của nhân vật đều làm bật lên được bối cảnh Châu Âu thời kì Phục Hưng. Thậm chí, bộ phim còn rất cầu kỳ trong việc thiết kế các vật dụng nhỏ trong những căn phòng. Có được điều này thì góp công không nhỏ đến từ phần hình ảnh chất lượng cũng như sự tâm huyết của những người thực hiện.
Đánh giá cốt truyện
Câu chuyện xoay quanh Fena, một cô gái mồ côi trên con đường tìm kiếm thứ mà cha đã để lại với một manh mối mang tên “Eden”. Cốt truyện của Kaizoku Oujo không mới, nhưng bù lại, phim có sự chỉn chu nhất định trong cách trình bày câu chuyện. Anime dành ra 2 tập đầu tiên để dẫn dắt, giới thiệu bối cảnh và nhân vật. Tập đầu ta được làm quen với Fena, một cô gái năng động, mạnh mẽ nhưng cũng lảu chảu và cẩu thả. Qua đến tập hai người xem gặp gỡ những nhân vật khác thông qua cuộc sống thường ngày của họ, một cuộc sống yên bình nơi hẻo lánh. Điểm thú vị ở phần cốt truyện đó là yếu tố phiêu lưu của nó. Theo chân Fena, người xem được trải qua nhiều vùng đất mới lạ. Chúng ta sẽ dần hứng thú với chuyến đi, không biết Eden nằm ở đâu, Fena và những người bạn sẽ tới vùng đất nào, gặp phải thử thách gì kế tiếp tạo nên cảm giác phiêu lưu kỳ thú.
Điểm trừ của Anime Kaizoku Oujo
Nhưng rồi đó có lẽ là tất cả những gì mà bộ này làm được. Ngoại trừ các phân cảnh đánh nhau ngắn ngủi thì Kaizoku Oujo không tạo ra được nhiều nút thắt hay tình huống thật sự gay cấn nào. Phim có vử như muốn tạo thút thắt làm thay đổi các mối quan hệ của nhân vật thông qua việc tiết lộ dần dần quá khứ và nguồn gốc xuất thân của Fena. Nhưng rồi nó đã không hiệu khi mối quan hệ giữa các nhân vật không có gì đổi thay. Càng về cuối phim càng chán. Đặc biệt pha plot twist cuối phim về thân phận thật sự của thằng nhóc kia khiến mình cảm thấy khá là ba chấm. Ít ra người ta cũng nên rải một tí hint khiến ta tò mò về thân phận của thằng bé kia một tí. Thế nhưng nó quá mờ nhạt để rồi quay ngoắt khi ta phát hiện ra nó là một nhân vật đặc biệt.
Kaizoku Oujo cũng đặt ra cho mình khá nhiều câu hỏi để rồi cuối cùng không nhận được lời giải đáp. Thứ nhất là việc Jeann D’Arc gửi hòn đá sau khi cô chết. Đến cuối cùng chẳng biết rút cuộc thì hòn đá đó có phải do Jeanne gửi thật không. Tại sao Jeanne gửi và làm cách nào nó được gửi sau cái chết của Jeanne tận 5-6 năm? Và nhất là việc Jeanne có liên quan gì trong câu chuyện này? Rồi việc phim đề cập đến việc Kei trên đường tới ở tập 5. Thế Kei đâu rồi? Đến tập cuối cũng chẳng thấy mặt anh ta. Và việc nhóm sát thủ sẽ bị gì sau khi kháng lệnh cũng chưa được phim làm sáng tỏ. Cảm tưởng như những người thực hiện đã quên béng đi những vấn đề này.
Đánh giá nhân vật
Nói về phần nhân vật, họ đều là những nhân vật tiềm năng nhưng đều chưa được khai đủ đến khiến người ta nhớ lâu. Âu cũng là điều dễ hiểu khi phim chỉ có vỏn vẹn 12 tập. Abel có lẽ là người được xây dựng trọn vẹn và đáng nhớ nhất trong phim. Người xem thấy được quá khứ của anh ta, thấy rõ được mục đích cũng như tình yêu của anh ta dành cho Helena (mẹ Fena). Đáng tiếc là những nhân vật khác lại không có được phúc phận ấy. Bản thân vai chính Fena ngoài những tính cách được miêu tả ban đầu ra thật sự không có nhiều sự thay đổi trong suốt chuyên đi dù đã có cơ hội làm điều đó. Đơn cử như khi Abel nói rằng nhóm đánh thuê chỉ đang lợi dụng cô. Hay khi Shita gọi Fena là phù thủy. Các phân cảnh này đủ để tạo những diễn biến tâm lý cũng như phát triển cho Fena. Nhưng cuối cùng chẳng có gì cả khiến cô không để lại nhiều ấn tượng.
Nhóm nhân vật đi cùng Fena cũng rơi vào số phận tương tự. Tính cách của họ thì được khắc họa rất rõ nét, mỗi người một vẻ tạo nên sự đa dạng trong tương tác nhân vật. Nhưng đó cũng là tất cả những gì người xem thấy được ở họ. Chỉ biết họ là hậu duệ của tổ chức sát thủ Goblen. Còn quá khứ, cách họ lớn lên, mối gắn kết giữa họ thì chưa được thấy. Ít ra Shita còn được thể hiện mối quan hệ gắn bó với Yukimura khi cả hai còn nhỏ. Đến cuối mình cũng chẳng biết vì sao họ có thể vì Yukimura, vì Fena (một người mới vừa vào nhóm) mà kháng lệnh dẫu biết có thể mất mạng? Trong khi Shita, người được phim thể hiện rất rõ sự gắn bó với Yukimara thậm chí còn định mặc kệ Yuki và Fena vì sợ lệnh. Âu cũng là điều đáng tiếc.
Anime Kaizoku Oujo – Công Chúa Hải Tặc có đáng xem không ?
Tựu chung lại, Kaizoku Oujo là một anime còn khá lúng tung trong cách giải quyết câu chuyện và dàn nhân vật cần được khám phá sâu hơn. Ít ra thì yếu tố phiêu lưu, xây dựng bối cảnh và hình ảnh được trau chuốt là những thứ kéo phim lên. Dù sao đây cũng là một anime dễ xem, và dễ phù hợp với những ai thích phiêu lưu.
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết [Review Anime] Kaizoku Oujo – Công Chúa Hải Tặc, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!