So với phần 1, đồ họa hình ảnh của Arifureta Shokugyō de Sekai Saikyō (viết tắt là Arifureta) đã được cải thiện, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Arifureta và các siêu phẩm cùng thể loại.
Mục lục
Thông tin cơ bản
-
- Tên gốc: Arifureta Shokugyō de Sekai Saikyō
- Tên tiếng Anh: Arifureta – From Commonplace to World’s Strongest
- Tên tiếng Việt: Arifureta – Từ Tầm Thường Đến Bất Khả Chiến Bại
- Studio: White Fox và Asread
- Đạo diễn: Kinji Yoshimoto
- Kịch bản: Shoichi Sato, Kinji Yoshimoto
- Năm phát hành: 2019
- Số tập: 13
- Thể loại: Isekai, Harem, Adventure, Action, Fantasy
Tóm lược nội dung
Arifureta Shokugyo de Sekai Saikyo kể về cuộc hành trình của nhân vật Nagumo Hajime được triệu hồi đến một thế giới khác cùng với bạn học của cậu để tham gia vào một cuộc chiến giữa nhân tộc và quỷ tộc. Từ xuất phát điểm là một kẻ bị coi là bất tài, vô dụng, bị phản bội và rơi vào nghịch cảnh, Hajime đã trải qua những biến cố sinh tử để trở thành chiến binh bất khả chiến bại. Cậu đã gặp những người bạn đồng hành của mình: Yue, Shia, Tio, và Kaori để cùng nhau vén màn những âm mưu bí ẩn của thế giới này, sẵn sàng chiến đấu chống lại cả thế giới để tìm đường trở về nhà.
Đánh giá chi tiết
Về nội dung
Bước qua phần hai, câu chuyện của Arifureta lại càng phức tạp hơn. Trong phần đầu tiên của thương hiệu, người xem đã trải qua phần phát triển nhân vật của nam chính đầy trắc trở, tăm tối, mà cũng rất cuốn hút, cũng như được giới thiệu các nhân vật chủ chốt của phim. Tiếp nối chuyến phiêu lưu ở phần 1, nội dung phần 2 bắt đầu khai thác các vấn đề to lớn hơn xung quanh cục diện thế giới đầy mưu mô, bí ẩn, hiểm họa khôn lường. Từng bước một, chân tướng của thế giới lần lượt được phơi bày một cách trần trụi.
Tuy vậy, đôi lúc khi những bí ẩn được mở ra, người xem có thể mang một chút hụt hẫng khi các tình tiết đã có thể dự đoán trước, chẳng hạn như việc Giáo Hội xem các học sinh như công cụ chiến tranh, vị Chúa trởi mà Giáo Hội ca tụng là kẻ điều khiển chiến tranh thì đã được hé mở trong phần đầu; việc thế lực cử đi những tên tiêu diệt những ai cản đường chúng cũng là tình tiết không khó để dự đoán được. Pha “lật mặt” bất ngờ nhất những đoạn cuối phần hai,
Yếu tố tình cảm trong phim dù đã có những bước tiến mới, song vẫn chưa có gì rõ ràng. Các nhân vật Hajime hành xử với những nhân vật khác trong nhóm cũng vẫn hệt như lúc ban đầu. Chỉ có hai tình tiết thật sự đáng giá trong phần hai: tình cảm mà Hajime dành cho Myu và tâm sự của Hajime với Kaori. Đây là hai phân cảnh có vai trò quan trọng đến tâm lý của các nhân vật. Xen lẫn giữa các cuộc phiêu lưu nguy hiểm vẫn là những chi tiết hài hước; dù vậy các chủ đề các pha tấu hài vẫn không mới mẻ (vẫn chủ yếu xoay quanh tình cảm các nhân vật nữ dành cho Hajime).
Diễn biến nội dung của phần 2 cũng bị lướt quá nhanh, giống như phần 1. Đối với những người xem đã đọc trước nguyên tác chắc hẳn sẽ cảm thấy thất vọng khi các tình tiết được “tua” quá nhanh thay vì tập trung thời lượng để thể hiện những cảnh phim chất lượng. Chẳng hạn như lúc Hajime sử dụng tạo tác của mình để tiêu diệt 10 vạn quái vật chỉ được thể hiện trong vòng chưa đầy 1 phút tính cả thời gian Hajime bắt đầu lấy tạo tác ra. Nếu là một siêu phẩm thì cảnh này lẽ ra phải được miêu tả nhiều hơn, rõ hơn. Ngoài ra, một số tình tiết bị lược bỏ cũng khiến các fan nguyên tác của truyện tiếc nuối.
Một điểm trừ khá nặng của cốt truyện là việc các tình tiết trong phim diễn ra quá cứng nhắc, dù không phải quá rập khuôn. Khi Hajime gặp nguy hiểm trong Mê cung Hỏa Diệm Sơn, dù tình thế hiểm nghèo nhưng dường như người xem vẫn biết ngay là Hajime sẽ quay lại an toàn, và khó chịu hơn khi họ xuất hiện trở lại thì gần như cơ thể vẫn khỏe mạnh như thường. Nhân vật phản diện dù mạnh đến đâu thì Hajime vẫn cứ tin chắc là mình sẽ thắng, gần như không có một chút nao núng, ngay cả khi Kaori đã trong cơn thập tử nhất sinh. Các nhân vật nữ thì vẫn cứ đặt niềm tin vào Hajime một cách tuyệt đối, còn các nhân vật như Kouki hay Hiyama thì vẫn cố chấp một cách không thể hiểu nổi ngay cả khi tình huống có xoay 180 độ. Còn các nhân vật phản diện thì vẫn một kiểu cũ: tự tin mình sẽ chiến thắng rồi chuyển sang sợ hãi nhanh chóng. Chũng chính vì lý do này mà các màn chiến đấu trong phim không còn mang tính hấp dẫn, khốc liệt nữa, vì gần như ai cũng biết rõ chiều hướng trận chiến sẽ như thế nào. Vì sự cứng nhắc này mà Arifureta đã đánh mất sức hút của một bộ anime hành động chiến đấu.
Về nhân vật
Nếu như phần đầu tiên là hành trình biến chuyển tâm lý sang bóng tối thì phần thứ hai của phim là sự biến đổi ngược lại, đưa nhân vật Hajime từ một kẻ máu lạnh sắt đá tìm lại một chút phần con người lương thiện của mình. Hajime sẽ không trở về bản tính hiền lành xưa cũ, chắc chắn là vậy, và thế giới trong Arifureta cần có Hajime như hiện tại: một người sẵn sàng ra tay với tất cả những kẻ cản trở con đường của mình, vì người xem có thể cảm nhận rõ rằng những gì ẩn giấu sau màn đêm là những thử thách vô cùng lớn. Cái người xem có thể thấy ở phần này là một Hajime lạnh lung vẫn có một phần tâm hồn giữ được cảm xúc con người, vậy là đủ.
Câu chuyện của Hajime mang dấu ấn rõ nét nhất ở giai đoạn chia tay Myu – đứa con gái “nuôi” của cậu. Dù trước bao nhiêu kẻ thù, Hajime là con quái vật tàn bạo, trước Myu cậu vẫn là người cha nhân hậu. Thật thú vị khi thấy một Hajime không ngần ngại xuống tay giết sạch kẻ thù, lại trở nên băn khoăn không ngớt chỉ để tìm cách từ biệt Myu; hay như khi cậu cố gắng tìm cách cứu sensei Aiko của mình, sự phần nộ khi nhìn thấy Hiyama hại Kaori – người mà cậu vốn lạnh nhạt trong suốt chuyến hành trình, cách cậu an ủi Shizuku đã mang sự nồng ấm hơn nhiều so với cách hai người nói chuyện ở cuối phần 1.
Nhân vật được xem là nữ chính của phim là Yue, thì đến phần hai lại hết sức nhạt nhòa. Bởi do vị trí bất di bất dịch trong lòng Hajime cũng như trong đội hình, nên suốt cả phần phim việc của Yue chỉ là thể hiện sự “ngầu” của mình. Không có sự biến đổi hay thậm chí là sự thử thách đối với tâm tri của Yue, cô gần như bình tĩnh trong mọi chuyện và lúc nào cũng nắm lấy những vai trò quan trọng trong chiến đấu. Gần như không có một tình huống nào khiến cho tâm trí Yue phải dao động.
Tương tự là đôi với trường hợp của nhân vật Tio, vẫn là kiểu nhân vật biến thái để tấu hài, chỉ thêm là dường như bên trong Tio có một sự từng trải, uyên bác. Trong khi đó, nhân vật Shia đã trở nên trưởng thành, tự lập hơn đôi chút khi có thể tự chiến đấu và tự phát biểu suy nghĩ của bản thân hơn là cứ phụ thuộc vào Hajime và Yue.
Hai nữ nhân vật có sự phát triển tâm lý rõ ràng nhất đến từ thế giới của Hajime: Kaori và sensei của cậu. Với Kaori, cô dần trở nên mặc cảm vì sự kém cỏi của bản thân, điều đó khiến cô dần trở nên tự ti. Phần này ta đã thấy được Kaori trở nên lý trí hơn là cứ hành xử theo cảm xúc như ở phần 1 khi cô đã có thể nhìn nhận lại bản thân. Còn nhân vật Aiko vốn không nằm trong dàn nữ nhân vật đồng hành cùng Hajime, vẫn luôn là nhân vật nữ có sự phát triển tâm lý tốt nhất. Nguyên nhân là vì Aiko là mẫu người phải đứng ở nhiều khía cạnh đạo đức, nên thông qua nhân vật này, người xem sẽ có nhiều sự suy ngẫm. Giữa các học sinh của mình và những con người không biết rõ tốt xấu ở thế giới này, cô phải làm sao cho đúng? Sự hoang mang trong tâm hồn của Kaori và Aiko đã khiến cho phần 2 của Arifureta có thêm chút màu sắc, hơn là kiểu harem một màu như ở phần 1.
Nhân vật phản diện của mùa phim này có ba nhân vật chính: thủ lĩnh quỷ tộc Fried, tông đồ Nointo, và một người nữa mà người viết sẽ không spoil ở đây. Hai nhân vật Fried và tông đồ Nointo thì quả thực là một màu, khi vẫn cứ xây dựng theo lối mòn: hết sức tự tin và coi thường đối thủ, sau đó bị Hajime đánh bại. Thậm chí hai nhân vật này không có chút dè chừng, thận trọng mà khi xuất hiện cứ như thể là họ sẽ áp đảo đối phương ngay vậy. Riêng tông đồ Nointo thì có khá khẩm hơn chút khi thực sự rất mạnh có thể đặt Hajime vào tình huống nguy hiểm, dù về sau vẫn bị giết khi chưa thể khiến cho Hajime quá nao núng. Nhân vật phản diện cuối cùng là một cú sốc đối với người chưa đọc nguyên tác, có thể tạo được nhiều cảm xúc cho người xem.
Về hình ảnh
Phần hình ảnh của phim đã được làm tốt hơn, mặc dù vẫn sử dụng không ít hiệu ứng 3D trên nền 2D nhưng ít ra phần hình ảnh đó đã trở nên phù hợp hơn, không có cảm giác quá giả tạo như ở phần 1 nữa. Tuy vậy, đồ họa phim vẫn tệ so với kỳ vọng của người xem, những khung cảnh vũ khí xuất hiện, khi vật thể 3D di chuyển vẫn không được tự nhiên. Màu sắc của phim cũng không có gì nổi trội, chuyển động nhân vật không không mượt. Studio cần phải cải thiện thêm rất nhiều nếu muốn tác phẩm có chỗ đứng trong thời đại anime ngập tràn những tác phẩm đồ họa đẹp như Kimetsu no Yaibai, Attack on Titan, hay Mushoku Tensei. Cũng do đồ họa không tốt mà các trận chiến vẫn không hề có sự quyết liệt, kịch tính như được miêu tả trong nguyên tác.
Về âm nhạc
Phần âm thanh của phim vẫn chưa được cải thiện, thiếu hẳn những đoạn nhạc nền hay âm thanh để đẩy cảm xúc cao trào của phim. Thất vọng nhất ở tập 11, khi đây là tập phim có nhiều cung bặc cảm xúc nhất, đáng lẽ phần âm thanh phải có trách nhiệm đẩy cảm xúc lên mức cao nhất có thể, thì người xem chỉ cảm thấy sự yên lặng. Phần nhạc phim opening và ending thì vẫn không tạo được dấu ấn đáng kể nào.
Kết luận
Arifureta vẫn là một tác phẩm có nội dung đáng xem, dù phần hình ảnh và âm thanh vẫn cần cải thiện hơn nhiều thì mới có thể tạo ra một tác phẩm thật sự chất lượng. Mặc dù nội dung cứng nhắc, dễ đoán, Arifureta có nhiều yếu tố để lại ấn tượng.
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết [Review Anime] Arifureta Shokugyo de Sekai Saikyo (Season 2), hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!