Dạo gần đây, bộ anime đã gây nhiều “sóng gió” trong các trang mạng xã hội và dành được nhiều sự quan tâm chú ý từ cộng động fan anime “Kimetsu No Yaiba” đã kết thúc. Bộ anime được đánh giá rất tích cực trên trang MAL với điểm số đến tận gần 9 điểm nhờ vào animation, các cảnh hành động đầy chất lượng của studio Ufotable. Cá nhân mình đánh giá đây là một bộ shounen khá hay, đặc biệt là chất lượng hình ảnh phải nói là đẹp nhất từ trước đến giờ của Ufotable với các hiệu ứng vẽ tay cực đẹp, âm nhạc hào hùng và đậm chất truyền thống của Yuki Kajuira và Go Shiina. Các nhân vật nữ khá dễ mến cũng là một điểm cộng. Ví dụ như bé Nezuko đầy dễ thương, cute hột me, “chị bướm” Shinobu là nhân vật mà mình yêu thích nhất cả bộ và cô bé Kanao cũng dễ thương nữa. Có lẽ là một trong những bộ shounen có dàn nhân vật nữ dễ chịu nhất và ít “bánh bèo” nhất? :v Nói chung nếu được chấm điểm thì mình sẽ cho bộ này khoảng 7/10, một bộ tuy là shounen điển hình nhưng với chất lượng sản xuất tốt, vẫn có thể đem lại tính giải trí cao kể cả là với những khán giả lâu năm và khó tính.
Mục lục
Giới thiệu bài viết
Nội dung của bài viết này không phải để ca ngợi Kimetsu no yaiba vì ba cái animation, bởi vì mấy cái đó mình nghĩ mọi người đều biết rồi nên không cần thiết phải nêu lại làm gì nữa. Trong khi xem anime, có 1 chi tiết làm mình khó chịu, cụ thể đó là việc nhân vật chính của bộ anime là Tanjiro thể hiện sự đồng cảm của mình với loài quỷ ăn thịt người. Do đó nội dung chính của bài viết này là để phân tích những điểm mà mình chưa hài lòng trong tác phẩm này.
Để có thêm các dẫn chứng so sánh cho rõ ràng các quan điểm đánh giá của mình hơn, mình sẽ lấy ví dụ là loài quỷ hút máu trong bộ anime Shiki, một bộ anime được mình đánh giá cao để ta thấy rằng chúng ta có nên đồng cảm với loài quỷ trong bộ Kimetsu no yaiba không.
(Lưu ý là bài viết sẽ có Spoilers từ cả hai bộ nhé).
Về ngoại hình
Ngoại hình là một yếu tố không nói lên được hoàn toàn bản chất của một nhân vật thế nhưng ngoại hình cũng có vai trò quan trọng trong ấn tượng của khán giả khi xem bộ anime. Một nhân vật có ngoại hình kinh dị, đầy đáng sợ sẽ khó khiến cho người ta đồng cảm. Bộ anime Shiki đã khác họa những con quỷ đội lốt hút máu người một vẻ ngoài hoàn toàn giống với người bình thường, bi kịch hơn nữa thì những con quỷ trên đều đã từng là người thân, bạn bè chí cốt của các nhân vật chính khiến cho khi họ chiến đấu chống lại những con quỷ, họ sẽ cảm thấy một sức nặng ghê gớm lên từng hành động của mình, bởi vì cho dù đó có là quái vật thì chúng cũng mang hình hài con người, người thân của mình và khiến cho chính khán giả chúng ta cũng cảm thấy đồng cảm và đau lòng. Còn đối với Kimetsu no yaiba, phần lớn các con quỷ đều mang vẻ ngoài đầy đáng sợ, chúng rất hung hăng và sẳn sàng tấn công mọi thứ, bọn chúng đều sinh sống cả trăm năm, chẳng có quan hệ thân thuộc gì với các diệt quỷ sư khiến cho họ phải nương tay, và chúng ta cũng chẳng có gì phải động lòng khi chúng chết đi.
Nhân tính
Đây là yếu tố rất quan trọng một sinh vật phải thể hiện được nhân tính mới có thể khiến chúng ta đồng cảm được. Ở bộ anime Shiki, những con quỷ tuy chỉ là những cái xác chết lạnh ngắt, nhưng họ vẫn giữ được linh hồn của mình. Do đó, họ hoàn toàn cảm thấy sự tội lỗi cho những hành động của mình, sự dằn vặt cắn rứt lương tâm, thế nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc họ phải giết chết người người khác vì sự sinh tồn của chính bản thân mình hoặc vì để bảo vệ một ai đó. Chúng ta thấy rõ những xung đột nội tâm, sự đau khổ của cả các shiki và con người khi phải lâm vào hoàn cảnh chiến đấu một sống một còn, lâm vào hoàn cảnh éo le, bi kịch mà trước đó họ không hề muốn. Việc khắc họa sự nhân tính giúp các cảm xúc của nhân vật được thể hiện chân thực hơn và giúp bộ anime trở nên sâu sắc, đa chiều hơn.
Đáng tiếc là bộ Kmietsu no yaiba đã không thực hiện được như trên, các con quỷ trong bộ này phần lớn chỉ là những kẻ ham mê sức mạnh, không phải chỉ vì tự vệ hay đảm bảo sinh tồn cho bản thân mà bọn chúng giết người vô tội vạ dường như chỉ để thỏa mãn bản thân. Chúng ta thấy vẻ mặt thích thú của bọn chúng ta khi hành hạ, tra tấn người khác và khái niệm “lương tâm” cũng chẳng thấy hiện hữu trong những con quỷ. Chúng ta không thấy sự xung đột nội tâm, sự dằn vặt gì của những con quỷ khi giết người cả, bọn chúng căn bản muốn ăn thật nhiều người để càng ngày mạnh hơn thôi và nhân tính đã hoàn toàn không còn nữa.
Quá khứ
Nhân vật chính Tanjiro có 1 lý do cho sự đồng cảm của mình đó là: “bọn quỷ đã từng là con người, bọn họ có quá khứ và những sự đấu tranh riêng”. Ok. Thế nhưng vấn đề ở đây đó là quá khứ của những con quỷ trong Kny chưa thực sự được làm tốt. Trong bộ anime Shiki, các nhân vật được xây dựng rất rõ ràng, từ lúc họ còn là người cho đến khi họ chuyển thành shiki, chúng ta thấy rõ mối quan hệ của các nhân vật và sự xung đột trong tính cách, động cơ của từng người làm cho quá khứ của họ được khán giả dễ dàng cảm thông. Thế nhưng trong Kimetsu, có quá ích thời gian cho việc flashback, thể hiện quá khứ của những con quỷ làm cho chúng ta hoàn toàn không hiểu được câu chuyện của họ. Chỉ một vài phút trước khi chết như vậy làm sao có thể biết được 1 nhân vật nói chi là hiểu rõ được động cơ của họ để mà có thể đồng cảm được. Ví dụ như đoạn con quỷ đánh trống, đoạn flashback chỉ thể hiện đó là 1 ông sư phụ gì đó la mắng bảo rằng những thứ hắn viết ra chỉ là rác rưởi. Nói thật xem đến đoạn đó làm mình facepalm muốn skip qua liền :v. Rốt cuộc là hắn ta viết cái gì, mối quan hệ của hắn với người “sư phụ” là gì? Và bộ anime bỏ qua luôn không hề đề cập để cho ta biết và cái flashback đó nó cũng chẳng hề liên quan đến động cơ của nhân vật, cảm giác như là 1 chi tiết đem vào chỉ cho có vậy.
Ok, thật ra trong bộ anime có 1 flashback làm không đến nổi tệ và khá hợp lý đó là flashback của 1 con hạ nguyệt quỷ tên Rui. Bởi vì cái quá khứ đó có liên quan đến động lực của nhân vật Rui này và đã thể hiện được sự đối lập với nhân vật chính. Thế nhưng hành động của nhân vật Rui này thì lại hoàn toàn khó hiểu và khiến cái quá khứ đã được thể hiện trên không làm người ta có thể thấy đáng thương cho nhân vật này được.
Việc hắn chơi trò chơi gia đình với những con quỷ khác chứng tỏ là có lẽ hắn thấy thiếu thốn tình thương gia đình nhưng mà hắn lại thể hiện “tình thương” của mình bằng cách tra tấn, giết hại đồng loại. Khi muốn Nezuko trở thành em gái hắn thì hắn lại tìm cách tra tấn cô bé. Nếu Rui đã từng là người thì ít nhất cũng phải biết rằng tra tấn hay giết hại người trong gia đình không phải là cách để thể hiện tình cảm với họ.:v Ngoài ra việc giết hại những con quỷ đồng loại yếu thế hơn không phải vì cần thiết cũng là minh chứng rằng Rui cũng như những con quỷ trước đã hoàn toàn mắt đi nhân tính của mình và cũng là những con quái vật ham mê sức mạnh hoàn toàn không xứng đáng để được thương hại.
Xây dựng 1 xã hội loài quỷ
Ở tập cuối, chúng ta vừa được thấy mặt 1 số hạ nguyệt quỷ, thậm chí còn chưa biết tên, thì đã ngay lập tức bị tên trùm cuối Muzan giết chết đã thể hiện sự thiếu thốn xây dựng nhân vật của các con quỷ đến thế nào.
Vấn đề của Kimetsu no yaiba đó là tất cả các con quỷ đều phải tuân lệnh tuyệt đối tên trùm cuối Muzan và đều có 1 động cơ ham muốn sức mạnh, ăn thật nhiều người và giết các “Diệt quỷ sư” để lập công cho tên Muzan. Điều này làm triệt tiêu sự tự do ý chí và làm mờ nhạt tính cách riêng của từng con quỷ khiến cho chúng không phải là những nhân vật thú vị. Các chi tiết trong bộ anime quá cliché, Muzan sai khiến thuộc hạ đi tiêu diệt nhóm diệt quỷ sư, sau đó bị main đánh bại, hắn tức giận phô trương sức mạnh của mình cho đám thuộc hạ sợ và tiếp tục sai thuộc hạ khác mạnh hơn, cứ vậy lập lại, giống như mấy nhân vật phản diện điển hình trong mấy bộ siêu nhân. :v
Ở bộ Shiki, ta thấy những con quỷ chịu sự thao túng của nhà Kirishiki thế nhưng bọn họ đều có ý chí riêng của mình. Có một con quỷ nhưng lại ghét quỷ và đi theo phe con người, có 1 con quỷ nhưng thà nhịn đói đến chết chứ không chịu làm việc ác, có con quỷ muốn bảo vệ gia đình mình, có con quỷ muốn được rời khỏi chốn làng quê để lên thành phố, vân vân
Kể cả như Tokyo Ghoul còn làm tốt hơn KnY về việc xây dựng xã hội loài quỷ với nhiều phe phái khác nhau và nhiều quan điểm khác nhau.
Những ngoại lệ trong Kimetsu No Yaiba
Bộ anime có 2 ngoại lệ có thể tạm gọi là “quỷ tốt bụng” đó là cô Tamayo và bé Nezuko.
Tuy nhiên nhân vật Tamayo lại không hề có vai trò gì quan trọng ảnh hưởng đến những xung đột, nút thắt trong cốt truyện gì cả. Cô ta chỉ được giới thiệu như là một thầy thuốc có thể biến Nezuko thành người và từ đó giúp có thêm trách nhiệm lên người Tanjiro là cậu phải đánh bại những thuộc hạ mạnh nhất của Muzan. Chỉ xuất hiện khoảng 1,2 tập rồi biến mất.
Về Nezuko thì cô bé là nhân vật chính tuy nhiên cô bé lại quá khác với tất cả những con quỷ còn lại, cô bé có ngoại hình dễ thương, cô không giết người, và còn giữ được nhân tính biết bảo vệ những người quan trọng xung quanh mình. Sự tương phản giữa cô bé và những con quỷ khát máu giống như màu trắng và màu đen vậy. Và điều này sẽ không hiệu quả để từ cô bé mà người ta thông cảm cho cả loài quỷ được. Muốn làm việc đó thì ta cần phải khác họa một nhân vật “màu xám”, một con quỷ đã từng giết người để sinh tồn nhưng vẫn giữ được nhân tính, cảm thấy hối hận, đau khổ vì hành động của mình hay có hành động đi ngược lại bản năng của loài quỷ như làm quỷ mà đem lòng yêu thương 1 người,… như vậy sẽ giúp có những câu chuyện đa chiều làm khán giả suy nghĩ và đồng cảm nhiều hơn.
Sự tốt bụng của nhân vật chính
Tại sao mình lại quan trọng hóa vấn đề này, là bởi vì trong bộ anime này đó là tác giả nhiều lần nhắc đến chi tiết đồng cảm cho loài quỷ. Như trong đoạn đối thoại giữa nhân vật Tanjiro và Shinobu thì chị Shinobu bảo rằng mong muốn được trở thành bạn bè với loài quỷ và mong muốn cho Tanjiro có thể biến ước mơ của cô thành sự thật. Thế nhưng bộ anime lại chưa thể hiện, chưa chứng minh đủ rằng loài quỷ đáng để thương hại, đáng để đồng cảm chứ ở đó mà mơ đến chuyện “làm bạn”.
Mục đích duy nhất của việc đồng cảm với loài quỷ này chỉ là để chứng tỏ nhân vật chính Tanjiro tốt bụng và giàu lòng vị tha thế nào. Mình xem một số review cho rằng sự tốt bụng của Tanjiro là nhân vật khiến cậu ta là một nhân vật được xây dựng tốt. Thế nhưng mình lại cảm thấy sự tốt bụng này lại rất không hợp lý, loài quỷ đã tàn sát hết cả gia đình cậu một cách dã man, đó là cha mẹ cậu, những đứa em mà cậu vô cùng yêu mến và quý trọng. Cậu ta hoàn toàn có lý do chính đáng để thù hận loài quỷ đến tận xương tủy và không tha thứ cho chúng.
Mình nghĩ nếu xây dựng Tanjiro theo hướng edgy boy đi trả thù cũng chả sao. Như nhân vật Thorfinn trong Vinland saga nếu được khắc họa tốt xung đột nội tâm và phát triển nhân vật đầy tính đa chiều thì vẫn là 1 nhân vật được xây dựng tốt đó thôi. Đáng tiếc là tác giả đã đi theo hướng quen thuộc để xây dựng một nhân vật chính shounen tốt bụng, vị tha điển hình.
Kimetsu No Yaiba có đáng để xem không ?
Tóm lại Kimetsu no yaiba là một bộ có dàn nhân vật chính khá ok, đặc biệt là các nhân vật nữ dễ mến nhưng lại có dàn nhân vật phản diện, những con quỷ dạng “evil, lusting for power” điển hình. Bộ anime có tính giải trí cao nhưng chưa có sự đa chiều để trở thành một bộ anime tuyệt vời trong mắt mình được.
Nguồn: FB/reviewerchan
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết Kimetsu No Yaiba vs Shiki, có nên đồng cảm với loài quỷ ?, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!