Theo chia sẻ của Google, doodle mới trên công cụ tìm kiếm được thiết kế bởi họa sĩ Cynthia Yuan Cheng nhằm tôn vinh Giáo sư Kanō Jigorō – “cha đẻ” của Judo Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 161 năm ngày sinh của ông.
Theo Google, cái tên “Judo” mang ý nghĩa là “cách thức nhẹ nhàng”. Môn thể thao này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc như sự công bằng, lịch sự, an toàn và khiêm tốn. Giáo sư Kanō coi Judo như một cách để gắn kết mọi người lại với nhau, ngay cả khi ném đối thủ xuống sàn đấu.
Tiểu sử Kano Jigoro
Sinh ngày 28 tháng 10 năm 1860 (tức ngày 28 tháng 10 năm Vạn Diên thứ nhất đời Thiên hoàng Hiếu Minh) tại làng Mikage, khu Higashinada, thành phố Kobe, tỉnh Hyogo, Nhật Bản trong một gia đình khá sung túc nhờ kinh doanh rượu sake. Cha ông là ông Kano Jirosaku. Kanō lúc còn nhỏ là một cậu bé thông minh nhưng thể chất ốm yếu, hiền lành và hay bị người khác bắt nạt. Năm lên 10 tuổi, cậu bị những kẻ du côn đánh đến ngất xỉu, từ đó ông đã nung nấu trong lòng ý định học cách tự bảo vệ mình bằng cách theo đuổi Jujutsu (Nhu thuật, là danh từ gọi chung cho nhiều môn phái võ thuật cổ truyền của người Nhật Bản).
Khi Kanō bắt đầu xin được học võ, ông gặp rất nhiều khó khăn vì đi đến đâu cũng đều bị các võ sư từ chối do cho rằng ông quá yếu ớt, không có khả năng học võ. Mãi đến năm Kanō 17 tuổi (1877) khi ông đang là sinh viên ngành chính trị học và kinh tế học của Đại học Đế quốc Tokyo, nhờ một người bạn giới thiệu, ông mới được nhận vào lớp của thầy Katagiri Ryuji và chỉ được theo học có mấy bài biểu diễn. Kanō Jigorō không dễ dàng chấp nhận điều đó nên đã đến võ đường của Fukuda Hachinotsuke, một cựu samurai và võ sư nổi tiếng cả về tài năng lẫn đạo đức trong môn Jujitsu thuộc chi phái Tenjin-shinio-ryu – cũng là người thầy thầy mà ông mong muốn. Chính thức bước vào con đường võ thuật.
Judo, hay còn gọi là nhu đạo, ra đời lần đầu tiên trong một trận đấu Jujutsu khi Kanō kết hợp đòn vật phương Tây để hạ gục đối thủ lớn mình rất nhiều trên sàn đấu. Bằng cách loại bỏ các kỹ thuật nguy hiểm được sử dụng trong Jujutsu, Kanō đã tạo ra Judo – một môn thể thao an toàn và mang tính phối hợp dựa trên triết lý cá nhân của ông về Seiryoku-Zenyo (nỗ lực tối thiểu – hiệu quả tối đa) và Jita-Kyoei (cùng có lợi – cùng phát triển).
Năm 1882, Kanō mở võ đường của riêng mình, mang tên Học viện Kodokan Judo tại Tokyo, nơi ông tiếp tục phát triển Judo trong nhiều năm sau đó. Không chỉ các học viên nam, Kanō cũng chào đón các học viên nữ tham gia môn thể thao này vào năm 1893.
Thành tích và danh hiệu đạt được
Kanō trở thành thành viên châu Á đầu tiên của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào năm 1909. Năm 1960, IOC đã phê duyệt Judo là một môn thể thao chính thức tại Olympic.
Vào ngày 4 tháng 5 năm 1938, Kanō Jigorō – ‘Cha đẻ của Judo’ mất ở tuổi 78. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, các danh hiệu ông nhận được bao gồm Huân chương Công đức đầu tiên và Huân chương Mặt trời mọc, và Bằng Hoàng gia thứ ba.
Với những đóng góp lừng lẫy cho võ thuật Nhật Bản nói riêng và võ thuật thế giới nói chung, Kanō Jigorō “Cha đẻ của Judo” xứng đáng để được tưởng nhớ và vinh danh
Có một điều tôi luôn muốn nói, Judo là cách sử dụng hiệu quả nhất cả sức mạnh thể chất và tinh thần. Nó không phải là một môn thể thao hay một trò chơi đơn thuần. Tôi coi nó như một nguyên tắc sống, nghệ thuật và khoa học.
-Kanō Jigorō-
… Xem thêm nội dung hay tại…Vietotaku
Bạn đã đọc xong bài viết Google kỉ niệm 161 năm ngày sinh của Kano Jigoro – “cha đẻ” Judo Nhật Bản, hãy tham khảo thêm các bài viết khác cùng chuyên mục Bảng xếp hạng Anime nhé!